Khu CNTT tập trung Cầu Giấy là khu CNTT tập trung đầu tiên tại Hà Nội và thứ 3 tại Việt Nam. Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong Khu này sẽ được hưởng mọi chính sách ưu đãi áp dụng với các khu công nghệ cao.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng (bên phải) trao Giấy chứng nhận Khu CNTT tập trung Cầu Giấy cho lãnh đạo Hà Nội. Ảnh: X.B.
Tại lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận Khu CNTT tập trung Cầu Giấy diễn ra sáng nay, 8/10/2013, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh: “Khu CNTT tập trung ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sư phát triển CNTT, tạo nền tảng cho việc phát triển kinh tế đất nước. Các nước trên thế giới có nền CNTT phát triển đều lựa chọn việc đầu tư xây dựng các khu CNTT tập trung như 1 giải pháp để thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển CNTT. Với các lợi thế về cơ sở hạ tầng, nhân lực, công nghệ và ưu đãi đầu tư, Khu CNTT tập trung sẽ là nơi giúp các doanh nghiệp tập trung nguồn lực ở mức cao nhất cho nghiên cứu phát triển cũng như thu hút đầu tư và hợp tác sản xuất kinh doanh. Việc công nhận Cụm tiểu thủ Công nghiệp Cầu Giấy sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp CNTT nâng cao vị thế và thương hiệu của mình, giúp Hà Nội có khu CNTT tập trung mà không phải đầu tư nhiều từ ngân sách Nhà nước”.
Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết Khu CNTT tập trung Cầu Giấy có tiền thân là Cụm tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhỏ Cầu Giấy, được thành lập theo Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 3/7/2001 của Thủ tướng Chính phủ, quy mô 8,35 ha được chia thành 3 khu riêng biệt với mục tiêu đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của quận Cầu Giấy, thu hút các doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Qua 12 năm hình thành và phát triển, Khu CNTT tập trung Cầu Giấy đã trở thành 1 khu tổ hợp văn phòng với hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng hiện đại. Toàn khu có 29/36 tòa nhà đã xây dựng hoàn chỉnh và đi vào sản xuất kinh doanh ổn định, thu hút 235 doanh nghiệp tới thuê địa điểm hoạt động sản xuất kinh doanh tại đây. Nhiều doanh nghiệp CNTT lớn như FPT, CMC, Viettel, MISA, Hài Hòa, Elcom,… hoạt động trong khu với số lượng lao động liên quan đến lĩnh vực CNTT lên tới hơn 10.000 người chiếm hơn 61% tổng số lao động.
“Việc Bộ TT&TT công nhận là đây khu CNTT tập trung đầu tiên tại Hà Nội và thứ 3 tại Việt Nam sẽ giúp quy tụ các doanh nghiệp CNTT thành khối liên kết hỗ trợ vì sự phát triển chung của ngành CNTT Hà Nội, tạo ra một điểm thu hút các đối tác nước ngoài đến làm việc tại Hà Nội,…”, bà Phan Lan Tú khẳng định.
Đại diện cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu CNTT tập trung Cầu Giấy, ông Trương Gia Bình, Tổng Giám đốc FPT chia sẻ: "Từ lâu nay, khu vực này đã tập trung rất nhiều doanh nghiệp phần mềm, dù chỉ có dưới 1 vạn người nhưng đã nộp ngân sách Nhà nước trên 4.000 tỷ đồng, lớn hơn tổng nộp ngân sách của nhiều tỉnh trên cả nước. Đề nghị Thành phố Hà Nội tiếp tục đầu tư mạnh mẽ, ban hành nhiều chính sách để tạo thuận lợi cho CNTT phát triển hơn nữa, đặc biệt là đầu tư để Khu CNTT tập trung Cầu Giấy trở thành khu thông minh đầu tiên trên cả nước".
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng lưu ý: “Thời gian tới, Khu CNTT tập trung Cầu Giấy cần thực hiện các nhiệm vụ đầu tư nâng cấp hạ tầng, hoàn thiện mô hình quản lý, xây dựng các chính sách, chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT hoạt động trong Khu; xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư; thực hiện đúng lộ trình thu hút, tăng tỷ trọng các doanh nghiệp CNTT, giảm tỷ trọng các doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Hy vọng Khu CNTT tập trung Cầu Giấy sẽ là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp CNTT, sớm trở thành khu CNTT hấp dẫn của Hà Nội và trong khu vực”.
Trên thế giới đã có nhiều khu CNTT tập trung từ quy mô địa phương phát triển thành biểu tượng ngành của quốc gia như Silicon Valley (Mỹ), Bangalore (Ấn Độ), Z-Park (Trung Quốc), MSC (Malaysia),… Tại Việt Nam, hơn 10 năm qua, các Khu CNTT tập trung đã từng bước hình thành, phát triển. Hiện đã có một số khu theo mô hình khu CNTT tập trung như Trung tâm Giao dịch CNTT Hà Nội, Khu công nghệ phần mềm TP.HCM, Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM, e-Town, Trung tâm Công nghệ phần mềm Cần Thơ… Đến hết 2012, tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu CNTT tập trung hơn 3.000 tỷ đồng, thu hút hơn 700 doanh nghiệp vào hoạt động với tổng số hơn 36.000 nhân lực. Đã có 2 khu CNTT tập trung được Bộ TT&TT chính thức công nhận là Công viên Phần mềm Quang Trung và Công viên Phần mềm Đà Nẵng”. |
Theo ICTNews